Kinh Nghiệm Tem Bảo Hành Điện Tử
Mánh khóe tem bảo hành hàng điện tử
Ghi ngày bảo hành bằng bút lông dầu hay dán tem ở những góc cạnh dễ rách là những cách mà người bán hàng điện tử thường áp dụng để “giảm tải” việc giải quyết sự cố cho khách sau khi sản phẩm được bán đi.
Tem bảo hành được đánh dấu bằng bút lông dầu dễ bị phai.
Tem bảo hành được đánh dấu bằng bút lông dầu dễ bị phai.
Cầm chiếc laptop mới mua 3 tháng đang có vấn đề không thể khởi động được đi bảo hành, chị Nguyễn Hoài Thu, quận 3, TP HCM, ngỡ ngàng khi nhân viên kiểm tra tại cửa hàng cho rằng máy đã bị bung tem và trả lại hàng. Không còn cách nào khác chị đành phải bỏ tiền ra trả phí “chạy chữa” cho máy hoạt động trở lại.
Vài thủ thuật rất đơn giản nhưng nếu người tiêu dùng không lưu ý khi mua hàng sẽ dễ gánh chịu thiệt hại về sau.
“Dùng một bút lông dầu thay vì bút bi như thông thường để đánh dấu thời hạn bảo hành trên tem giấy cho khách hàng là chiêu phổ biến nhất”, anh Võ Văn Hậu, kỹ thuật viên vi tính tại Thủ Đức, cho biết. Theo anh, chỉ cần qua thời gian khoảng ba tuần, hầu như những vết mực hay dòng chữ này đều không còn và đồng nghĩa với việc hiệu lực bảo hành của sản phẩm cũng chấm dứt.
Ngoài ra, ở nhiều cửa hàng, người bán thường cố tình dán tem bảo hành ở những góc cạnh dễ tróc, rách của sản phẩm. Nếu không lưu ý “chăm sóc” cho mảnh giấy bé nhỏ này, người sử dụng sẽ dễ biến sản phẩm thành hàng đã “bóc tem”.
Những thiết bị thường gặp hiện tượng trên là máy nghe nhạc MP3, USB, chuột máy tính… bởi nơi dán tem thường tiếp xúc với tay người cầm.
Tem giấy dễ bị mất ký hiệu bảo hành khi tiếp xúc thường xuyên. Tem bóng (trái) thường được các cửa hàng dán chồng lên tem giấy để phòng tránh mánh khóe tráo tem.
Ngay cả người bán nhiều khi cũng là bên chịu thiệt với những mánh khóe tem bảo hành.
Anh Nguyễn Đăng Đức, chủ cửa hàng vi tính Đất Việt tại quận Bình Thạnh, cho biết: “Tôi gặp không ít trường hợp những kỹ thuật viên tráo đổi tem qua thiết bị khác để đem đến bảo hành”. Nếu không có chút kinh nghiệm trong nghề, dân kinh doanh cũng rất dễ gặp phải trường hợp này bởi chỉ cần một chiếc máy sấy, dân kỹ thuật dễ dàng bóc tem bảo hành và dán vào sản phẩm khác đã hỏng để kiếm lợi.
Anh Đức chia sẻ, tem bảo hành về mặt thực tế chỉ để chủ cửa hàng nhận ra nhanh chóng đó là hàng hóa của mình. Nhưng với các sản phẩm đã bị đánh tráo, những người trong nghề chỉ cần nhớ số series hay vài đặc điểm về mẫu mã hàng là có thể đối phó được.
Ngoài ra, với công nghệ hiện tại, người bán thường sử dụng tem bóng (làm bằng chất liệu giấy kính nilon) vì loại tem này nếu bóc ra sẽ hỏng hoặc có dấu tích rất rõ ràng.
Nhiều chủ cửa hàng điện tử khuyến cáo người dùng cần chăm sóc tem bảo hành của mình ngay khi vừa mua về.
Chỉ cần một lớp băng keo nhỏ, trong suốt có thể bảo vệ tốt tem bảo hành trong thời gian sử dụng. Nhiều người bán hàng linh kiện vi tính cho biết, với cách này dù các nét chữ được viết bằng bút lông thì người sử dụng cũng có thể an tâm đến hết hạn bảo hành từ 1 đến 5 năm.
Với loại linh kiện có bề mặt không phẳng, người mua nên yêu cầu người bán viết thời hạn bằng bút bi. Ngoài ra, việc tránh tiếp xúc thường xuyên với bề mặt tem hoặc hạn chế để thành phần này ngấm nước cũng là điều cần thiết.
Nguồn đọc thêm: https://xaluan.com